Giải pháp bảo vệ nước sạch ở huyện miền núi.

          Cập nhật ngày 09/5/2017




          BT- Trong chương trình “Chia sẻ kết quả ứng dụng công nghệ quản lý mạng lưới cấp nước sinh hoạt nông thôn” do Trung tâm Quốc gia nước sạch & Vệ sinh môi trường triển khai, bà Lê Thị Hải Đăng - nhóm tư vấn trung tâm cho hay, việc tồn tại thất thoát, thất thu nước ở mức cao ở nhiều địa phương diễn ra lâu nay làm hao tổn chi phí về hóa chất, điện năng, nhân công, đưa chi phí giá thành trên 1 m3 nước tăng. Mặt khác tỷ lệ thất thoát cao làm cho hệ thống cấp nước nhanh chóng dùng hết công suất, tạo áp lực tìm kiếm nguồn nước mới, nguồn vốn mở rộng công suất hệ thống gây lãng phí đầu tư. Cùng với đó, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mùa khô thường kéo dài, thiếu nguồn nước cục bộ cung cấp khách hàng… Hiện nay trên toàn quốc có 35/63 tỉnh, thành sở hữu 490 công trình cấp nước nông thôn công suất trên 500 m3/ngày đêm. Trong đó, 80 hệ thống tỷ lệ thất thoát, thất thu thấp < 20%, tương tự với đó 261 ở mức trung bình (20 - 30 %), 149 ở mức cao (>30%). Trong số này, Bình Thuận với 9 công trình, cũng có tỷ lệ thất thoát nước khác nhau… Bà Hải Đăng cho biết, nguyên nhân thất thoát nước ở nhiều tỉnh, thành phần lớn do thiết kế mạng lưới cấp nước chưa đồng bộ, không ít công trình cấp nước còn sử dụng dây chuyền công nghệ lạc hậu, làm tăng lượng nước dùng ở trạm xử lý, xả rửa đường ống. Các thiết bị trên mạng như đồng hồ, van, khóa, mối nối chưa đảm bảo chất lượng do thiếu kinh phí thay thế. Trong khi đó, do tác động tự nhiên của các chấn động vận tải, xây dựng hạ tầng như nâng cấp, sửa chữa đường, cáp quang, làm ảnh hưởng đến hệ thống cấp, thoát nước...

Trạm cấp nước sạch ở Võ Xu.


          Nhóm tư vấn Trung tâm Quốc gia nước sạch & Vệ sinh môi trường sau khi đi khảo sát thực tế tại 7 tỉnh, thành đã đưa công trình cấp nước Võ Xu- Đức Tài, huyện Đức Linh vào áp dụng thí điểm công nghệ quản lý mạng lưới cấp nước. Bởi hệ thống này khi ấy hội đủ các tiêu chí lựa chọn: công suất hơn 500 m3/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát trên 30%, có kế hoạch đối ứng kinh phí tiếp nhận công nghệ mới nhà đầu tư, đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành làm quen các phần mềm quản lý. Sau khi triển khai, hệ thống cấp nước này đã tìm ra các khu vực Võ Xu (1, 2, 4) tỷ lệ thất thoát nước cao từ 28 - 35%; do một số tuyến ống quá cũ gây rò rỉ; ống nằm sâu, sát ruộng, sông, suối, khó phát hiện kiểm soát nước, mạng lưới phân bố rộng chưa được kiểm soát kỹ… Qua đó, đội ngũ quản lý, kỹ thuật ở đây đã thay thế ngay một số tuyến ống quá cũ hay xảy ra sự cố; lắp đặt van giảm áp điều hòa giảm áp lực khu vực đầu nguồn, hỗ trợ cấp nước cuối mạng chảy yếu, bổ sung các đồng hồ quản trị, phân nhỏ các vùng, khu vực cấp nước ở Võ Xu 1 và 4. Đồng thời hệ thống nước Võ Xu ứng dụng phần mềm quản trị, giám sát mạng nước các vùng, khu vực trên nền web, quản lý tài sản, thiết bị trên hệ thống mạng nước một cách nhanh chóng, chính xác, xây dựng biểu đồ lưu lượng, áp lực theo thời gian; quản lý khách hàng theo cụm, tuyến ống… Nhờ đó, hệ thống cấp nước Võ Xu đã chống thất thoát, thất thu nước sạch, giảm đáng kể tỷ lệ thất thoát này ở mức trung bình (18 - 20%), phù hợp chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đề ra trong giai đoạn hiện nay.




Trích nguồn: Báo Bình Thuận.

Website: http://baobinhthuan.com.vn